Có thể nói trong một vài năm gần đây, sự bùng nổ của Thị trường chứng khoán Việt Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư cũng như các tổ chức tài chính quốc tế. Chúng ta không thể phủ nhận sự phát triển và những lợi ích mà Thị trường Chứng khoán mang lại. Thị trường Chứng khoán đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP của quốc gia. Tính cho đến nay, Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển về mọi mặt so với buổi sơ khai: từ số lượng các công ty niêm yết (153 mã cổ phiếu trên HOSE và 130 mã cổ phiếu trên HaSTC), số lượng các công ty chứng khoán mới ra đời, quỹ đầu tư, đến tổng giá trị vốn hóa thị trường, chỉ số Index, giá trị và khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày của nhà đầu tư và đặc biệt là của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, như vậy chưa phải là đủ, Thị trường Chứng khoán Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là khắc phục những yếu điểm để hướng tới một Thị trường chứng khoán "mở" theo tiêu chuẩn quốc tế. Cho tới nay, Thị trường Chứng khoán Việt Nam mới chỉ chính thức hoạt động được 8 năm, 1 tuổi đời còn quá trẻ so với con số hàng chục năm của Thị trường Chứng khoán các nước phương Tây. Chính sự non trẻ đó là một trong những nguồn cội khiến chúng ta gặp phải nhiều khó khăn khi phân tích, đánh giá về một công ty nói chung và một Công ty niêm yết nói riêng. Khó khăn bên ngoài Vấn đề khó khăn đầu tiên mà hầu như tất cả mọi đối tượng sử dụng thông tin trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam gặp phải, đó là khó khăn về nguyên liệu đầu vào của việc phân tích: số liệu. Khi tiến hành phân tích một công ty để đi tới quyết định, các công ty chứng khoán, nhà đầu tư, nhà phân tích đều dựa trên hồ sơ, số liệu do phía doanh nghiệp cung cấp theo chế độ về công bố thông tin hiện hành. Thế nhưng, vì những mục đích khác nhau, doanh nghiệp có thể đưa ra số liệu sai sự thật. Chính vì thế báo cáo tài chính và bản cáo bạch có thể chưa đựng những con số bị "bóp méo". Thông thường, những số liệu được công bố trên các bản báo cáo chưa phản ánh đúng tình trạng sức khỏe của công ty. Trên thực tế hầu hết các công ty ở Việt Nam và ngay cả trên thế giới thì Giám đốc tài chính (CFO) luôn chịu áp lực rất lớn của tổng giám đốc điều hành (CEO) nên các bản báo cáo luôn mang tính chủ quan. Mặt khác, mỗi công ty có cách trình bày riêng trong bản báo cáo theo ý chủ quan của người quản lý nên khó để các đối tượng sử dụng tiếp cận và phân tích. Hiện nay, Thị trường Tài chính nói chung và Thị trường Chứng khoán Việt Nam nói riêng đang ở giai đoạn đầu mới phát triển, còn non trẻ. Trình độ tập hợp thông tin cũng như thống kê số liệu của những người trực tiếp làm công tác cung cấp số liệu chưa cao nên không đủ số liệu so sánh giữa các công ty trong cùng ngành hay so sánh giữa các ngành với nhau để đánh giá đúng về vị thế của công ty trong ngành đó hoặc vị thế của ngành này so với ngành khác. Một khó khăn khác từ bên ngoài mà các đối tượng sử dụng thông tin hay gặp phải, đó là khó khăn về nguồn thông tin. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có một tổ chức nào chuyên về thu thập, xử lý thông tin của các công ty như: thông tin về rủi ro, lịch sử hoạt động... để cung cấp cho người phân tích những thông tin xác thực khi đánh giá về một công ty. Mặc dù vẫn tồn tại các cơ quan thông tin đại chúng như báo chí, Internet, diễn đàn v.v..., nhưng những cơ quan này không phải là những tổ chức chuyên nghiệp về tài chính, do vậy, những thông tin, số liệu mà họ cung cấp không hẳn là xác thực, thêm vào đó là quá nhiều thông tin ảo nhằm những mục đích khác nhau được tung ra có thể do vô tình hoặc cố ý. Chính vì thế, khi tiếp cận với những nguồn thông tin này để phân tích sẽ dẫn đến đánh giá sai lệch về công ty. Chúng ta không phủ nhận hoàn toàn sự đóng góp trong lĩnh vực cung cấp thông tin, số liệu tài chính của một số phương tiện thông tin như website của các Công ty Chứng khoán, các diễn đàn tài chính, chứng khoán v.v... Thế nhưng thực tế, ngay bản thân các Công ty Chứng khoán, một định chế tài chính được coi là chuyên nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán tại thời điểm hiện nay, khi đưa thông tin về cùng một công ty, cùng một chỉ tiêu tài chính, tại cùng một thời điểm thì hai Công ty Chứng khoán khác nhau lại công bố những kết quả khác nhau và hệ quả là nhà đầu tư nếu sử dụng thông tin của Công ty Chứng khoán này sẽ ra một quyết định khác, nhưng sử dụng sử dụng của Công ty Chứng khoán kia lại ra một quyết định khác. Khó khăn bên trong Khi tiến hành phân tích một công ty, các nhà phân tích phải hiểu rõ doanh nghiệp đó hoạt động trong lĩnh vực gì, phát triển trên thị trường ra sao. Một điểm đáng lưu ý là các thông tin thu thập được về công ty thường có độ trễ nhất định so với thực tế, do đó khi phân tích cần xem biến động trong thời gian tới đối với doanh nghiệp như thế nào, tích cực hay tiêu cực, xu hướng của nó so với các doanh nghiệp khác ra sao... Thêm nữa là các đối tượng sử dụng thông tin để phân tích thường hạn chế về mặt kiến thức chuyên môn, phương pháp kỹ thuật phân tích. Đây là một yếu tố quan trọng giúp người phân tích đánh giá đúng về một công ty. Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều chuyên gia, nhưng trình độ kiến thức chuyên môn thì lại chưa đủ, không có nhiều kinh nghiệm thực tế nên rất dễ đánh giá chưa đúng bản chất một công ty hoặc doanh nghiệp. Nhà phân tích không có khả năng phán đoán thị trường chính xác, yếu về phân tích kỹ thuật, chưa áp dụng các công cụ phân tích để phân tích thị trường và công ty. Đặc biệt là nhà đầu tư Việt Nam hầu hết là nhà đầu tư nhỏ lẻ, thường đầu tư theo tâm lý bầy đàn, khi thị trường lên thì mua, khi thị trường xuống thì bán tháo chạy làm ảnh hưởng xấu đến cổ phiếu và ảnh hưởng đến cả công ty. Một số giải pháp Hiện nay, các công ty cung cấp thông tin cho trung tâm, sau đó trung tâm mới công bố cho công chúng. Tuy nhiên với số lượng công ty càng nhiều mà trung tâm lại công bố chậm (có thể vài ngày) thì sẽ dẫn đến giao dịch nội gián. Chính vì thế, giải pháp cho vấn đề minh bạch hóa thông tin trên TTCK VN, tránh tình trạng độc quyền công bố thông tin tài chính công ty của các tổ chức môi giới chứng khoán là để cho doanh nghiệp tự công bố thông tin cho nhiều phương tiện thông tin đại chúng, công bố kịp thời để tránh giao dịch nội gián. Trên thực tế, đã có một số công ty đã nhận ra được lợi thế khi niêm yết trên Thị trường chứng khoán như: Giảm thuế (trước đây), huy động vốn dễ dàng, nâng cao danh tiếng công ty v.v... Do đó có ngày càng nhiều các bộ hồ sơ xin niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh cũng như Trung Tâm giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Nhưng việc cần làm bây giờ là nâng cao chất lượng các công ty niêm yết trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam chứ không phải chỉ chú trọng tới số lượng các công ty niêm yết. Chất lượng của thị trường không chỉ dừng lại ở chất lượng của các công ty niêm yết mà còn ở các chủ thể khác tham gia như các Công ty chứng khoán, tổ chức môi giới chứng khoán v.v... Do vậy, việc nâng cao chất lượng dịch vụ của công ty chứng khoán, tổ chức môi giới, Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán cũng như của các thành viên trên thị trường cũng cần được chú trọng nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường để Thị trường Chứng khoán hoạt động lành mạnh. Công ty môi giới và các trung tâm giao dịch làm việc hiệu quả, tiết kiệm chi phí góp phần làm tăng thêm tính thanh khoản của thị trường chứng khoán. Ngoài ra cũng cần tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ phổ cập kiến thức về Thị trường Chứng khoán. Đây là nhiệm vụ có thể được thực hiện bởi hiệp hội chứng khoán, giống như mô hình của các hiệp hội chứng khoán ở các nước phát triển như NASAA hay SIFMA (ở Bắc Mỹ). Thu hút nhà đầu tư tham gia Thị trường Chứng khoán bằng việc nâng cao các chuẩn mực về công bố thông tin, giám sát, thanh tra và xử lý các vi phạm, mở rộng mô hình các quỹ đầu tư tập thể, thành lập tổ chức định mức tín nhiệm. ===================================== Bài viết giới thiệu trên Diễn Đàn Tài Chính- Chuyên mục Báo Diễn Đàn Doanh nghiệp hợp tác cùng http://saga.vn/, số 26 ra ngày 28/03/2008. =====================================